SHARE KINH NGHIỆM CHẠY GIẢI HỒ ĐỒNG ĐÒ - HNUT2020
Đồng đò có tuyến đường phòng cháy, chữa cháy trên rừng. Hồ Đồng Đò nằm cách Hà Nội 45 km tại địa phận thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Hồ chỉ cách khu du lịch hồ Đại Lải khoảng 7 km, cách sân gôn Hà Nội khoảng 2 km. Có cả mỏ vàng sa khoáng xưa. Trước đây lòng hồ chỉ là con suối nhỏ, đến năm 2000 thì xây xong đập Đồng Đò để cung cấp nước tưới cho khoảng 200 ha đất canh tác tại xã Minh Trí.
Xung quanh là rừng thông trên 30 năm tuổi, có đỉnh núi Hàm lợn, được coi là nóc nhà của Hà nội. Dân chạy xung quanh Hà nội coi đây là thao trường để tập hằng tuần, cả chạy trail và 3 môn. Chạy núi Hàm lợn cũng là thách thức rất lớn để luyện tập. Chục năm trở lại đây việc lấn chiếm và đô thị hoá rừng ven hồ khiến các công trình xây dựng đang phá nhiều cảnh quan và rừng. Điểm picnic cuối tuần, vừa nghỉ dưỡng vừa thể thao, tracking hay trail, đang dần thay đổi mọi thứ.
Thứ sáu, trước ngày chạy giải 2 ngày, Phan Trà Trà gọi “Anh có muốn chạy Đồng đò không? Giải Hà nội Ultra Marathon 2020 – HNUT2020.” Vừa chạy trên Tà xùa hôm Chủ nhật 30 KM về, cũng là những ngày cuối năm nên dự định xả hơi và tham gia các cuộc vui tổng kết cuối năm, sinh nhật, nên gần như ngày nào cũng uống nhậu nhẹt. Nhưng Đồng đò cũng hấp dẫn vì tôi chưa lên đó chạy bao giờ, hồi tập chạy cho VMM cũng chỉ luyện leo thang bộ và chạy road thôi. Phân vân một hồi, tôi trả lời: “OK để anh đi đăng ký.”
Còn ngày thứ Bảy để tích lũy năng lượng, nhặt đồ sót lại vụ VMM, sắp xếp đèn, mũ, quần áo, một ít hạt khô, gell và tailwinds nhét vào các ngăn của vest nước. Gậy thì như trên Sapa gần như không dùng đến, nhưng chưa biết ở đây ra sao nên cứ mang đi vậy. Giày, tất, và một ít vật dụng sau race… rồi đi ăn trưa và về ngủ. Nói là đi ngủ nhưng có ngủ được đâu. Nằm điểm danh các thứ xem thiếu gì không vì bạn bè hầu hết đang chạy giải trong Huế cùng ngày hoặc đi Mộc châu chụp ảnh. Hỏi trên nhóm có ai đi cùng không cho vui nhưng không thấy ai cả.
Chuông reo 3 giờ sáng Chủ nhật, dậy sửa soạn, làm một nắm xôi lót bụng, đóng bộ lên người sẵn sàng. Xuất phát khỏi nhà 03:45. Chạy xe một mình, đường sương mù mưa bay, chưa biết đường nên theo cậu Umove nói “Anh cứ theo Gmap là đến.” bên ngoài khoảng 19 oC, nhưng khó nhìn đường vì mù. May sáng sớm nên vắng. Gần đến nơi bám theo một số xe có vẻ cùng dân chạy nên không phải xem bản đồ nữa. Mất 45 phút tới điểm tập kết. Mọi thứ để hết trên xe, có chìa khóa xe không gửi được phải mang theo.
Sát giờ khai mạc, có khoảng 645 người tham gia chạy, với hơn 50 người nước ngoài, nhưng chạy sớm cự ly 55 km chắc khoảng 100 người. Khá vắng vẻ so với các cuộc chạy khác. Tôi gặp Bình – Adam Nguyễn, một runner bản địa, chạy rất tốt: “Cũng cần có uy tín của giải để thu hút được nhiều người tham gia…” giải HNUT được tổ chức lần thứ hai, trùng ngày với Huế, Vinh, nên có lẽ giảm nhiều người tham dự. Theo thông tin BTC, nhiệt độ 16 oC, mưa nhỏ bay, có vẻ sẽ nóng khi chạy. Nhưng trên núi cao sẽ gió và khi mệt ít vận động sẽ lạnh, cần chuẩn bị đủ đồ ấm. “Đồng đò dễ mà anh, so với Sapa nó dễ hơn.” Trà Trà chia sẻ khi rủ tôi tham gia giải chạy. Ừ thì tham gia nốt lần này của 2020 vậy, không nên tham gia lần nào nữa.
Chuẩn bị xuật phát, tôi lẩm bẩm “Mưa nhỏ này, mong không có bùn và vắt” Tiếng một cô gái “Không có bùn đâu anh ạ, như này đường sẽ đẹp.” quay sang thì ra cô bé Hà Thu 20 tuổi, race nào cũng có mặt và luôn vượt trước ở đoạn cuối. “Ba, hai, một…” Cả đoàn với đèn bật sáng trên đầu lao vào bóng đêm. Thực ra đã 05:30 sáng Chủ nhật, nhưng trời mù mùa Đông, trời tối đen, nhờ chút đèn của nhà dân khi qua làng là còn sáng, xuống đồng là phải tự dò. Được thông báo về các markers trên đường cho từng loại chạy, thế nhưng có vẻ không ổn lắm. Đường đua họ thay đổi so với nhiều người đã biết. Qua làng được 2 km, nhóm 7 người bị lạc khi rẽ theo 2 bạn chụp ảnh. Đèn pin trên đầu soi thấy marker sáng rực phía trước nên cứ thế chạy. Đây là khu vực bằng, ở cánh đồng nên pace 6 chạy khá đều. Đến khi bạn chụp ảnh đi xe máy quay lại nói không thấy Marker, cả bọn mới biết bị lạc. Hóa ra cái vật sáng khi chiếu đèn là mắt mèo và chồn ở cánh đồng, nhìn lại bao quát xung quanh thì là nghĩa địa rất rộng, đường bê tông nên dễ chạy. Một cậu đã quay lại từ trước nhưng giờ lại gặp, thì ra đã tua một vòng quanh nghĩa địa rồi. Có vẻ ma đưa lối chỉ đường chăng?
Cô bé, sau mới biết tên là Hoài người của Vinmec, từ HCMC bay ra hôm qua nói: “đồng hồ báo rẽ phải mà qua 3 ngã ba vẫn sai?” Đúng là so với tổ chức của VMM, ở đây làm chưa tốt. Trên Sapa, những ngã ba hoăc họ sẽ chăng dây, hoặc sẽ có dân đứng ra chỉ lối, markers dày đặc khắp rừng cho runners không bị lac. Mà người dân trên đó cũng giữ gìn các markers dù đường chạy qua sân, vườn nhà họ. Loay hoay trong nghĩa địa thêm một đoạn rồi cả bọn trèo rào ra ngoài khi thấy đèn sáng của nhóm sau chạy qua.
Thêm được 2 km đường bằng, hướng ra hồ Đồng đò. Sương phủ mặt hồ, nhìn núi bên kia thật đẹp. Phía bờ bên phải, rừng keo tràm của dân có mảng đã khai thác họ đốt cháy nham nhở, chỗ thì san vách đồi trắng xóa đất, có vẻ sắp thịt làm trang trại. Vừa chạy theo cô bé Hoài vừa nói chuyện. Cô bay từ HCMC ra hôm qua, ở nhờ nhà bạn Thủy đang chạy phía trước. Hơn 24 tuổi, nhưng chạy rất nhiều “Em chạy lần hai ở đây rồi, có vẻ khác năm ngoái. Em đang chuẩn bị chạy trail 100 km trong kia.” Cô khoe. Theo 4 km đường đá, cô chạy toàn pace 6 dù kêu bị lạnh, xuống máy bay còn chưa quen.
Đường chạy rẽ qua làng lần nữa, phía trước có một nhóm chạy ngược lại. “Chị Thủy ở cùng nhà em.” Hoài giới thiệu. đến nơi thì ra nhóm đó cũng bị lạc hơn 1 km nên vòng lại. Các markers bằng gỗ không nhiều, bằng vải và phản quang ở vị trí khuất khi Vận động viên cắm mặt chạy ngẩng lên chiếu đèn không thấy nên nếu chạy tách 1 vài người dễ lạc. Qua CP 1, không lây gì nên bỏ qua luôn. Đi thêm một đoạn đường nhựa lên dốc, trời sáng dần, bỏ được đèn. Nhiều nhóm đi bộ giữ sức. Chúng tôi qua CP 2 ký nhận tên và đi luôn. “CP3 sang CP4 là 10 km đấy nhé.” Hoàn thông tin. Vì trước khi đi tôi chỉ xem qua chứ không check từng đoạn không để ý vị trí nào cả. Đường chạy rẽ vào lối lên đồi dốc, bắt đầu leo lên. Đất đồi khô dù sương mù bay bay. Mới 13 km nên vẫn khỏe, mọi người lôi gậy ra và lên rất nhanh. Lá rừng đọng sương cắt tay và chân, nhất là lá de sắc ngọt không cản được dân chạy. Thi thoảng cành mâm xôi gai thò ra ngoắc cái mũ cũng không khiên ai dừng bước. Qua dốc, tưởng chừng CP3 trước mặt nhưng không phải. Xuống hết đồi rậm rạp cây cỏ đa tầng của rừng nhiệt đới, đến trở lại thôn nhà dân với tiếng cho sủa râm ran. “Sao vẫn chưa thấy CP3 nhỉ?” Tôi hỏi, vì trời mù ẩm ướt, chính ra nóng Chắc giờ cỡ 18 – 20 oC với chạy thành ra 30 oC rồi. Nước hết nhanh. Nắm xôi sáng chắc đã tiêu nên bụng cũng reo. “CP3 phải khoảng km thứ 24 mà!” Một cậu chạy cùng nói.
Xuống ruộng, thêm hơn 1 km nữa, CP3 được đặt giữa cánh đồng mênh mông. Cô bé Hoài nhặt nhanh miếng dưa rồi đi luôn theo cô Thủy phía trước. Tôi dừng lại ăn đủ chuối và dưa, đong đầy 2 bình nước, điền tailwinds rồi mới tiếp tục. Vì theo trên bảng BIB, CP3 sang CP4 sẽ là lên dốc khá gắt. Đúng vậy, rời cánh đồng, rẽ lên cánh rừng là dốc ngược. Nhóm đi cùng đã vượt lên trước, nhóm kém hơn thì quá xa phía sau. Còn một mình nên tôi live stream chơi. Chưa biết cách dùng gậy hiệu quả. Leo lên bằng gậy đỡ mệt nhưng đau tay và chậm hẳn. Hết cánh rừng có cỏ rậm, sang bên đồi keo. Liên tục 3 quả đồi với độ dốc cỡ 60o như máng trượt gỗ của dân rừng. Bấm mũi bàn chân lên từng bước, được vài chục mét là nghỉ. May là đồi không quá cao và sang ngay sườn dốc bên kia trước khi lên tiếp đồi nữa dốc tương tự. Mệt không ra hơi. Nước, gell sử dụng hết. Giá phải trả cho các buổi nhậu trong tuần, các cơ nhũn ra. Mấy cậu thanh niên không có gậy, leo lên chừng mệt hơn, ngồi phịch giữa dốc thở.
Hết dốc của mấy quả đồi, đường chạy là xuống dốc liên tục, vượt qua đường rừng rậm, ra đường phòng cháy cũng là trôi xuống. Đường đá lổn nhổn, gặp một cậu thanh niên bị chuột rút “Em chạy lâu rồi, không thích trail nữa, gần đây tập cho ba môn phối hợp. Lần này không chủ đích chạy nên chuẩn bị kém.” Nói là chuột rút, nhưng một lát là vượt tôi rất nhanh. “Anh chạy đi, đường này sẽ dốc xuống khoảng 3 km rồi ra đường nhựa đến CP4 đấy.” Cậu ra thông tin trong khi chạy cùng. Tưởng CP 4 có súp ăn, nhưng chỉ có dưa hâu và chuối, tôi cũng bị căng bắp chân cần xịt lạnh. Lúc này khoảng 32 km rồi. Bị 1 km lạc là 33 km, đã đi hơn 4 giờ nghĩa là khoảng gần 10 giờ sáng.
Từ CP4 tới CP5 đường cơ bản dễ đi. Khoảng cách cũng không xa. Tại CP5, một cổng chào với dòng chữ “Về nhà” chào mừng. Đây là một lán nhỏ nghe nói của bạn Hoa Việt Thần Gió, người bỏ cả công việc, đóng máy tính để chạy. Đường chạy này cũng nhờ Hoa Việt đi gắn các marker và khảo sát tuyến từ trước. Cậu ta đam mê và hỗ trợ cho các giải chạy tư nguyện. Tại trại có cháo gà, Trứng gà và các trái cây, nước uống, nới vận động viên nạp năng lượng trước khi đi tiếp. “Từ đây sẽ là leo phải không em?” Tôi hỏi một supporter. “Chưa anh ơi, mới được 37 km nghĩa là còn 7, 8 km nữa mới tới chân núi Hàm lợn.” Anh ta đáp.
Từ đoạn này bắt đầu gặp một số vận động viên 35 km. Chắc họ chạy chậm, vị đa số đã đi trước nhiều. Họ chung đường cùng 55, 35 và 15 đến đích. Đường leo lên rừng một đoạn nhỏ rồi lại xuống dốc rất dài. “Giống lần trước nhưng cỡ 4 km xuống đến chân núi anh nhé.” Cậu thanh niên bị chuột rút nói. Tới CP6 là khoảng 45 km rồi. Cũng hơn 6 giờ chạy. CP6 đặt trên một đoạn đất sạt lở, phải leo lên mới đến, cũng là một thử thách. Tại đây, khá nhiều vận động viên, hóa ra có cả 35km, 15km và 5km đang checkin, tôi nạp thêm nước, bổ sung tailwind, chỉnh trang để chuẩn bị vượt núi. “Anh đi nhanh về kịp bữa trưa anh ạ.” Một cô supporter nói. Giờ gần 12 giờ trưa, còn hơn 10 km, nghe tưởng bở với cái dốc Hàm lợn này. “Ban tổ chức lần này tổ chức đường lạ, vận động viên chạy xong 42 km, full Marathon rồi mới bắt leo gần 1000 mét, tương đương leo lên và xuống 600 tầng nhà.” Một cậu than thở.
Tôi chưa từng chạy và leo núi Hàm lợn, chưa tưởng tượng nổi độ dốc của nó, với dốc cao hơn 400 mét liên tục nên cứ nghĩ sẽ về ăn trưa thật.
Rời CP6 sau khi chụp ảnh check in, leo luôn dốc dựng đứng, phải trên 60o. Bắt đầu gặp khá nhiều bạn chạy đang leo và nghỉ, nhìn kỹ thì đa số là 35 và 15. Họ sạch sẽ và không có gậy dân chạy mà mang gậy trúc chắc mới mua ở điểm khởi hành. Thực sự dốc, choáng hơn nhiều ở Sapa, đốc mà trơn xốp mùn lá cây. Mỗi chục mét leo là gặp người nghỉ. Tôi khá sốc nên lẩm bẩm: "chừa, không bao giờ chạy kiểu hành xác này trong năm 2020 nữa!" Leo, cứ leo và leo. Nhiều cây thông nhẵn thân cây vì lưng mồ hôi của dân chạy tựa nghỉ. Tôi leo qua các cô 15 và 35 đang ngồi nghỉ và bị vượt bởi mấy cậu 35 vừa hồi sức. Mất hơn 30 phút cho 1 km ở đây mà vẫn chưa đến đỉnh. Gặp khá nhiều người đang chạy ngược chiều, họ tránh đường khi down hill. Không tham gia race này, họ đang tự luyện tập riêng.
Sau gần 1 tiếng, tôi lên đến đỉnh Hàm lợn, tháp tam giác inox chắc bị cất nên chỉ còn gốc xi măng. Tôi kịp live stream cùng mấy bạn 35 từ miền nam ra. Sương mù bao phủ, tầm nhìn vài mét, gió vi vu khá lạnh. Chân leo dốc thay đổi góc cơ nên down hill không chạy nổi. Tưởng hết dốc, hoá ra tiếp tục leo đỉnh mới sau xuống vừa rồi. Dốc không dài nhưng gắt không kém, mấy cậu tôi vượt qua kêu: "thôi chừa, hành xác như này thì hãi quá..." Qua đỉnh thứ hai, tôi bắt kịp Hoài, cô bé chạy cùng khi sáng. "Em bị đuối vì vừa xuống máy bay chạy luôn."
Qua 3 đỉnh đồi, qua mốc địa giới ba huyện, qua mốc cột cờ quốc gia, down hill dốc đứng, tôi lần đầu thực hành dùng hai gậy để đi. Chạy xuống dốc với gậy, dốc sâu 60o thực sự nhanh và an toàn trước sự ngỡ ngàng nhiều người hoặc một gậy hoặc tay không bị trôi, trượt xuống. Vượt nhiều 35, 15 và thậm chí 55 trước vượt tôi. Ra đường cái, chân như được hồi phục nên chạy ngon về CP7. Đồng hồ báo 57 km vậy mà các cô supporter nói "cố lên anh, chỉ còn 3 km nữa thôi!" Choáng, nghĩ 55 km thì xong, vậy mà còn xa. Ăn quả chuối, điền 2 bình nước và chạy tiếp.
Gần 2 km đường sỏi, có vẻ như đường đã qua trước đó. Tiêng nhạc dân picnic dưới hồ vọng lên rộn rã, gặp biển báo rẽ phải tưởng về đích. Cô bé đứng đó nói "cố lên anh, leo nốt đồi này thôi!" Đã 59 km rồi, dốc ngược đồi cuối, 200 m độ cao cuối cùng với chân mỏi căng cứng. Nhiều 35 và 15 đang uể oải nhích lên, tôi xin vượt qua dù cũng chỉ đi bộ. Qua dốc đến đổ đèo, gặp Hà thu: "anh tưởng em về rồi chứ?" Tôi hỏi. "Em mải ăn kẹo lạc anh ạ!" Thực sự không tốt với markers giải này khi biết rất nhiều người trên 60 km như tôi và có cả 70 km luôn!
Dốc về thêm 2 km nữa, hồi sức nên tôi chạy cố đến tận về nhà, chỉ dừng vài lần diễn trước máy ảnh đón đích. Vào sân nhà, trước các máy ảnh, tôi kịp bỏ mũ, đèn và cười tươi diễn ở đích. Tình cờ gặp cậu em Đỗ Mạnh Cường đang chụp ảnh. Vậy là có ảnh ngon. Xài hết 2 gell, 1,5 tailwinds, ăn mỗi trạm 1 chuối, dưa hấu và uống nước. Giữa các trạm cơ bản hết gần 1 lít nước, điều không xảy ra ở VMM khi gần 30 km nước còn nguyên.
Trả giá cho Chủ nhật trước chạy 30 km Tà xùa về tưởng kết thúc năm nên xả hơi nhậu nhẹt. Ăn lạc nên về đích 61 km với vị trí 35/100. Thuỷ, cô bé Hoàn cùng nhà về thứ ba của giải, thật ngưỡng mộ! Thôi cạch, không chạy thêm giải nào nữa của 2020!
Một giải tuy có nhiều điều chưa ổn nhưng thực sự đáng cảm ơn BTC khi họ cố gắng tạo một sân chơi rất tốt như này, rất đáng cảm ơn ban tổ chức, các tình nguyện viên và các nhà tài trợ, hy vọng họ duy trì và hoàn thiện đường chạy hợp lý hơn!
Nguồn: Nhật Hà Đăng
Nguyễn Ngân - Đồng sáng lập 75Marathons