GIỚI THIỆU CHẠY PHỤC HỒI-RECOVERY RUN!
Chạy phục hồi hay Recovery run chỉ đơn giản là chạy thật chậm và chạy thật thoải mái. Mỗi bước chạy của bạn sẽ không cần nỗ lực, không cần cố gắng. Sau khi chạy xong bạn sẽ cảm thấy sức khoẻ tốt hơn hẳn so với trước lúc chạy. Nếu bạn chạy quá nhanh thì bạn đang không Chạy phục hồi nữa rồi. Khi Chạy phục hồi bạn không cần quan tâm đến việc sẽ chạy với tốc độ bao nhiêu, pace bao nhiêu, hãy để đôi chân và cơ thể bạn tự quyết định. Nếu có điều kiện hãy chạy Phục hồi trên nền đất mềm như trên thảm cỏ, đất mềm, đường Pitch/Track trong sân vận động hoặc đường đạp xe đạp (êm hơn nền đường nhựa).
Khi Chạy phục hồi (recovery run) sẽ cần bạn chạy chậm hơn hẳn so với Chạy thả lỏng (Easy run) và đa số các bài chạy khác. Việc chạy chậm giúp cơ thể bạn vẫn vận động ở mức thoải mái và tương đối dễ chịu. Cơ thể sẽ bơm máu nhiều hơn đến chân, bắp chân, đùi và những phần cơ bắp vẫn còn đang mệt mỏi và qua đó sẽ giúp bạn phục hồi nhanh hơn so với việc không chạy (lựa chọn đi bộ sau một giải chạy cũng giúp bạn phục hồi tốt hơn thay vì không làm gì cả). Việc Chạy phục hồi chỉ có ý nghĩa nếu bạn chạy thật chậm, nếu bạn chạy thả lỏng(Easy Run) lúc đó cơ thể bạn sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn và qua đó khiến cơ thể bạn phải chịu đựng nhiều áp lực hơn có thể dẫn tới quá tải, chấn thương, cạn kiệt sức lực và lâu phục hồi hơn.
Chạy phục hồi là một trong những bí quyết tiến bộ của cá nhân tôi trong suốt năm 2020 vừa qua, pace trung bình hàng tháng của tôi chỉ đâu đó tầm 6:30 cho tới 7:00 nhưng nhờ có tích luỹ từ Chạy phục hồi tôi lại chạy được Full Marathon 42.8 km với thời gian 3:30:36 nhanh hơn so với rất nhiều người vẫn Tập chạy nhanh hơn tôi, và cả chạy nhiều hơn tôi nữa.
Chạy phục hồi trong những ngày mà khi thức dậy bạn có cảm giác cả người vẫn còn khá mệt mỏi, và uể oải. Đặc biệt là chân phải chỗ gối và nhóm cơ dải chậu chày (ITBS) luôn có cảm giác căng cứng. Trong bài khởi động của MEB có đoạn dùng Roller Foam để lăn chỗ cơ này. Cảm giác tê, đau khi lăn còn dư âm tới tận khi chạy xong vẫn còn uể oải. Thế mới biết nhiều khi chỉ cần cố thêm tí, là chấn thương sẽ đến.
Nhiều lúc chạy phục hồi sau những bài chạy nặng cảm giác đôi chân nặng nề và gượng gạo, kiểu cơ thể đang hỏi trí não: "Tao đang mệt lắm rồi sao mày còn bắt tao chạy làm gì?! Nghỉ ngơi đi xông hơi, mát xa thôi". Rồi dần dần, cơ thể ấm dần dần lên, việc chạy ngược chiều so với cách chạy mọi ngày cũng giúp hạn chế đau phần dải chậu chày. Cảm giác khoẻ mạnh hơn có đến khi kết thúc bài chạy nhẹ nhàng, tuy không rõ rệt như hôm Recovery Run sáng thứ 3, nhưng mình đánh giá là cần thiết để giúp mình điều chỉnh hoặc bỏ bài Long Run sáng mai nếu cảm thấy cần thiết hoặc thấy nguy cơ chấn thương.
Trước đây, khi còn chưa hiểu biết nhiều về chạy bộ, chấn thương trước đây luôn đến khi mà bạn nghĩ rằng mình đang "Khoẻ nhất". Giờ đây khi có kinh nghiệm hơn, chấn thương, và quá tải là điều có thể cảm nhận được khá rõ ràng khi thức dậy thấy mệt hơn, khi nhịp tim nghỉ cao hơn, khi một vài bộ phận trong cơ thể không được bình thường như trước.
Link Bài Viết: www.facebook.com/153357398727697/posts/802062743857156/
Nguyễn Ngân - Đồng sáng lập 75Marathons